Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Phá sản chính sách kêu gọi Việt kiều 'giữ quốc tịch Việt Nam'


Phá sản chính sách kêu gọi Việt kiều 'giữ quốc tịch Việt Nam'

Monday, March 31, 2014 5:41:23 PM  


Cứ 1,000 người mới có 1.3 người 'đăng ký'


WESTMINSTER (NV) - “Nếu chính quyền Việt Nam coi người Mỹ gốc Việt vẫn đang là công dân Việt Nam thì chả cần phải buộc họ làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam như họ vẫn hành xử từ trước tới nay.”

Ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành cơ quan CISS chuyên về di dân và tị nạn tại Houston, Texas, bình luận như vậy với báo Người Việt, về quy định của Bộ Tư Pháp Việt Nam là “ngày 1 tháng 7, 2014 là hạn chót để người Việt hải ngoại đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.”


Cô Phương Hà (trái), một người nhập cư từ Việt Nam, tuyên thệ nhập quốc tịch Hoa Kỳ trong buổi lễ tổ chức tại Fairfax, Virginia, hôm 3, Tháng Bảy, 2013. Trên nguyên tắc, khi một người tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ là đã xin từ bỏ quốc tịch gốc. (Hình: Getty Images)



Cách đây 5 năm, Bộ Tư Pháp Việt Nam ban hành “Luật Quốc Tịch Việt Nam” có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2009. Theo luật này, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài “chưa mất quốc tịch Việt Nam phải ‘đăng ký’ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài 5 năm.”

Tuy nhiên, báo Tiền Phong hôm 30 Tháng Ba, dẫn phúc trình của “Cơ Quan Ðại Diện Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” cho hay, tính đến đầu năm 2014, chỉ mới có khoảng 6,000 người Việt Nam ở hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam.

So với con số xấp xỉ 4.5 triệu người Việt định cư ở ngoại quốc, tỉ lệ người Việt Nam ghi danh giữ quốc tịch “mẹ” chỉ vào khoảng 0.13%. Tức là, cứ 1,000 người thì chỉ có 1.3 người ‘đăng ký.”

Phúc trình này không công bố con số rõ ràng, chỉ cho biết rằng, người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ và Úc ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam chiếm một tỉ lệ rất thấp.

Nếu con số này tiếp tục đứng yên vào sau ngày 1 tháng 7, 2014, có nghĩa là hơn 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại giữ thái độ “từ chối quốc tịch Việt Nam.”

Khoản 2 Ðiều 13, “Luật Quốc Tịch Việt Nam năm 2008 và nghị định hướng dẫn nói rằng, ngày 1 tháng 7, 2014 là hạn chót để người Việt hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam. Sau ngày này, người nào không ghi danh có nghĩa là sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam.”

* Phá sản

“Luật Quốc Tịch Việt Nam” được ban hành năm 2008 được cho là đã “nới rộng cho người Việt ở hải ngoại được giữ lại quốc tịch Việt Nam,” trong trường hợp không từ bỏ, hoặc không bị tước quốc tịch.

Nhưng phúc trình của Cơ Quan Ðại Diện Người Việt Nam ở hải ngoại thú nhận rằng, trong suốt 5 năm qua, số người ghi danh giữ quốc tịch quá ít ỏi. Nhiều người cho biết, không tha thiết đến việc ghi danh vì tờ giấy này chỉ có ý nghĩa như để “giữ chỗ,” để không bị mất quốc tịch Việt Nam sau ngày 1 tháng 7, 2014.

Có người cho rằng tờ giấy đó không có giá trị về mặt pháp lý, lại càng không phải là căn cứ để đương sự có thể xin cấp phát các giấy tờ khác như sổ thông hành, chiếu khán hoặc giấy miễn thị thực.

Báo Tiền Phong cũng cho hay, rất nhiều tổ chức pháp lý như Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Việt Nam cho rằng, việc buộc người Việt hải ngoại phải ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam là không thực tế.

Các tổ chức này yêu cầu Bộ Tư Pháp gấp rút hủy bỏ điều khoản này trong Luật Quốc Tịch sửa đổi để kịp thông qua tại cuộc họp Quốc Hội Việt Nam vào tháng 5 tới đây.

Theo báo Tiền Phong, Bộ Tư pháp Việt Nam đến nay vẫn không tán đồng lời đề nghị trên, và cho rằng Việt Nam cần “vận động công dân mình tôn vinh quốc tịch Việt Nam.”

Theo lập luận của Bộ Tư Pháp, người Việt Nam ở hải ngoại không ghi danh giữ, có nghĩa là mặc nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam kể từ sau ngày 1 tháng 7 tới.

Philippines nộp chứng cớ cáo buộc TQ xâm phạm chủ quyền


Philippines nộp chứng cớ cáo buộc TQ xâm phạm chủ quyền



RFA 30.03.2014

000_Hkg9657695.jpg
Luật sư Francis Jardeleza của chính phủ Philippines tại cuộc họp báo ở Manila hôm 30/03/2014. - AFP




Chính phủ Philippines đã nộp cho Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển chồng hồ sơ dày 4 ngàn trang, với nội dung cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Phi ở Trường Sa.


Sáng nay khi thông báo tin này, Ngoại Trưởng Philippines là ông Albert del Rosario nói rằng Malia có trách nhiệm phải bảo vệ chủ quyền lãnh hải, bảo vệ quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền lợi cho những thế hệ kế thừa và cũng để đảm bảo quyền tự do đi lại trên mặt biển của cộng đồng quốc tế.


Từ năm ngoái, Philippines đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế, dựa vào những quy định được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển. Theo quyết định của Tòa, hôm nay là ngày cuối cùng chính phủ Phi phải nộp chứng cớ.


Đơn kiện của Philippines yêu cầu tòa tuyên bố việc Trung Quốc nhận tới 80% vùng biển chiến lược này và việc Bắc Kinh chiếm tám rạng san hô và đảo đá ngầm ở biển Đông là bất hợp pháp.


Cùng xuất hiện trong cuộc họp báo ở Manila, luật sư Francis Jardeleza của chính phủ Phi cho hay bước kết tiếp là Tòa sẽ xem xét các bằng chứng mà Phi đệ nạp, sau đó Tòa sẽ đưa ra những quyết định mà phía Trung Quốc lẫn Philippines cần thực hiện để giải quyết cuộc tranh chấp biển đảo.


Cũng cần nói thêm là ngay từ ngày đầu Bắc Kinh đã lên tiếng nói không can dự vào vụ kiện tụng này, tức sẽ không công nhận hay thi hành những quyết định của tòa quốc tế.


Cuối tuần trước, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn đưa ra phát biểu với đại ý nói là Bắc Kinh chủ trương giải quyết cuộc tranh chấp qua đường lối ngoại giao, đồng thời cảnh báo rằng quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chính phủ Phi tiếp tục theo đuổi vụ kiện.


Cũng xin được nói thêm là Philippines hoàn tất hồ sơ vụ kiện chỉ một ngày sau khi một tàu tiếp tế của Phi thành công trong việc xuyên qua vòng vây của những chiếc tàu Trung Quốc để đem 10 tấn hàng tiếp tế cho toán binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Phi đang trú đóng ở Bãi Cỏ Mây.


Những nhà báo quốc tế được chính phủ Phi mời đi theo chiếc tàu tiếp tế kể lại rằng khi chiếc tàu của Phi còn cách bãi Cỏ Mây chừng 1 giớ đồng hồ, một tàu lớn của Trung Quốc đã 2 lần cắt ngang mũi tàu của Phi với mục đích không cho chiếc tàu này tiếp tục đi tới, đồng thời một chiếc tàu nhỏ khác cũng mang cờ hiệu Trung Quốc bám sát chiếc tàu của hải quân Phi.


Phía Trung Quốc dùng vô tuyến điện ra lệnh cho chiếc tàu Philippines phải dừng lại, nhưng tàu hải quân Phi vẫn tiến bước, đi vào vùng nước cạn là nơi tàu của Trung Quốc không thể vào vì sợ bị mắc cạn.


Trung Tá Ramon Zagala, phát ngôn viên quân sự Phi nói với hãng thông tấn AFP rằng Manila hy vọng chiếc tàu chở hàng tiếp tế sẽ rời Bãi Cỏ Mây một cách yên ổn, không bị tàu của Trung Quốc gây khó khăn.


Hôm mùng 9 tháng này, Phi cũng đưa tàu hàng đi Bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho binh sĩ của họ nhưng bị tàu hải giám Trung Quốc cản đường. Cuối cùng Phi phải thả dù tiếp tế cho các binh sĩ trú đóng trên đảo.


Một chi tiết đáng chú ý khác là khi chiếc tàu của Phi bất chấp trở ngại do tàu Trung Quốc gây nên để đi vào Bãi Cỏ Mây, có 3 chiếc phi cơ gồm một của Hoa Kỳ, một của Trung Quốc và 1 của Phi xuất hiện trên bầu trời để quan sát vụ việc.


Khi được hỏi về chuyện xảy ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh gọi việc làm của Phi là một hành động gây hấn, đồng thời nói rằng hành động đó không thay đổi được sự thật là chủ quyền Bãi Cỏ Mây thuộc về Trung Quốc.


ĐÀI RADIO CHÂN TRỜI MỚI - Ông Lý Thái Hùng trả lời thính giả về một số hoạt động và chủ trương của đảng Việt Tân


ĐÀI RADIO CHÂN TRỜI MỚI - Ông Lý Thái Hùng trả lời thính giả về một số hoạt động và chủ trương của đảng Việt Tân

30/03/2014
Thanh Thảo



Ly Thai Hung.jpg


Ông Lý Thái Hùng trả lời thính giả về một số hoạt động và chủ trương của đảng Việt Tân [ 22:00 ] Hide Player| Play in Popup | Download




Trong thời gian qua, Đài Radio Chân Trời Mới có nhận được một số thư của quý thính giả gửi về Đài chia sẻ một số tâm tình, ý kiến về công cuộc chung, cũng như có những thắc mắc về các tổ chức chính trị đang mưu tìm tự do, dân chủ cho Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển các thắc mắc này và sẽ lần lượt phỏng vấn để các tổ chức đó có thể trả lời cùng quý thính giả.
Hôm nay, chúng tôi xin mời quí thính giả theo dõi phần trả lời của đảng Việt Tân. Trong số thư từ gởi về đài, có một vài thính giả nêu thắc mắc về những tin đồn cáo buộc đảng Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng, Việt Tân nhận công trạng của người khác, hay ngay cả cáo buộc lãnh đạo Việt Tân thí quân lấy tiếng, hay chỉ điểm cho an ninh cộng sản Việt Nam.
Tuy đảng Việt Tân đã nhiều lần lên tiếng trình bày về những vấn đề này trong thời gian qua, nhưng để trả lời trực tiếp các thắc mắc của các thính giả của đài, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân sẽ lên tiếng trong chương trình hôm nay:
Thanh Thảo: Trước hết ông nhận định ra sao về hiện tượng CSVN liên tục dán nhãn Việt Tân là tổ chức khủng bố, cũng như tổ chức phản động nhằm lật đổ chế độ; rồi cùng lúc lại có những luận điệu cáo buộc rằng Việt Tân là cánh tay nối dài của CSVN. Có người phân tích rằng cả 2 vu cáo đó đều phát xuất từ một nguồn là công an – an ninh CSVN. Ông lý giải thế nào?


Lý Thái Hùng: Thưa chị, chúng tôi có một số nguồn kiểm chứng nên có thể nói chắc rằng công an CSVN, hay nói đúng hơn là nhà cầm quyền CSVN, chính là kẻ tung ra hai luận điệu mâu thuẫn đó. Họ cố dùng thủ thuật này trong cả 3 môi trường: với bà con trong nước, với các cộng đồng người Việt tại hải ngoại và với chính giới ngoại quốc. Chủ đích duy nhất là nhằm cố gắng cô lập đảng Việt Tân.
Tôi xin trình bày về từng môi trường này như sau:
Trước hết, đối với môi trường chính giới và các tổ chức quốc tế. Có thể nói đây là nơi mà nhà cầm quyền CSVN thất bại hoàn toàn trong thủ thuật cố gắng dán nhãn Việt Tân là khủng bố.  Vì các cáo buộc này đã tác dụng ngược khi chính phủ các nước đòi trưng ra bằng chứng nhiều lần nhưng Hà Nội không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Việc công an cố ngụy tạo chứng cớ bằng cách lén nhét 1 khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý của 2 kiều bào hoàn toàn vô can rồi vu khống cho Việt Tân vào năm 2007 đã xóa sạch uy tín của họ trong mọi vu cáo sau đó.  Đảng Việt Tân hiện vẫn tiếp tục hoạt động công khai và đang hợp tác với chính giới nhiều nước trong các lãnh vực dân chủ, nhân quyền, và chủ quyền của Việt Nam.
Kế đến là môi trường Việt Nam, giới lãnh đạo CSVN nhắm vào 2 mặt cùng lúc. Đối với quảng đại quần chúng nói chung, họ cố dán nhãn Việt Tân là khủng bố, rồi sau đó một thời gian là phản động. Dĩ nhiên họ chẳng có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào cả nhưng vì độc quyền nắm giữ truyền thông nên họ cứ “nói lấy được”. Mục tiêu của họ là để hù dọa người dân rằng Việt Tân là tổ chức nguy hiểm cần phải tránh xa vì liên hệ hay hợp tác với Việt Tân đương nhiên đồng nghĩa với phạm pháp và sẽ bị trừng trị nặng nề.
Tôi nghĩ rằng sự hù dọa này còn nhằm che dấu một sự thật khác là chính lãnh đạo Hà Nội cũng đang rất sợ sự lan tỏa của phương pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động mà đảng Việt Tân đã nỗ lực quảng bá và hợp tác với nhiều đồng bào tiến hành những hình thái đấu tranh này.
Trong khi đó, đối với những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, thì nhà cầm quyền CSVN lại dùng thủ thuật: lúc thì tung tin “Việt Tân do Trung Quốc dựng lên để phá hoại đảng và nhà nước Việt Nam”, lúc thì tung tin “Việt Tân hợp tác với Việt Cộng để tính chuyện chia ghế”, lúc thì tung tin “Việt Tân do Việt Cộng dựng lên để lưới các nhà dân chủ”, v.v… Dĩ nhiên, mục tiêu cũng lại chỉ để hù dọa từ một góc cạnh khác để cô lập đảng Việt Tân.
Tất cả những thủ thuật này theo tôi đã biểu hiện sự cùng quẫn, bí lối của Hà Nội nên thử đủ cách nhằm tấn công đảng Việt Tân. Nhưng rất tiếc cũng có một số đồng bào chúng ta bị ảnh hưởng và hoang mang ít nhiều. Chúng tôi rất mong những vị nào có thắc mắc về đảng Việt Tân xin tìm hiểu về quá trình thành lập và hoạt động của đảng Việt Tân suốt hơn 30 năm qua; hoặc xin đặt câu hỏi trực tiếp với đảng Việt Tân để chúng tôi có thể trình bày ngọn ngành những nỗ lực của Việt Tân để tháo gỡ gông xiềng độc tài, đặt nền dân chủ và tạo điều kiện canh tân đất nước chúng ta.
Sau cùng, đối với môi trường hải ngoại, công an vừa sử dụng những kẻ họ mua chuộc vừa tận dụng những mối hiềm khích sẵn có trong cộng đồng hải ngoại để tạo tối đa chia rẽ. Và cách tạo chia rẽ hiệu quả nhất là gắn cho tổ chức này, cá nhân kia cái nhãn mà đồng bào chúng ta ghét nhất tại hải ngoại, đó là cái nhãn Việt Cộng.
Đảng Việt Tân là một trong những đích nhắm lớn của họ. Quá nhiều các vu khống hoàn toàn dựng đứng rồi lại được dùng để chứng minh các vu khống kế tiếp.
Chúng tôi rất tiếc và cũng rất buồn là vẫn có một số đồng bào chúng ta bị ảnh hưởng bởi các vu cáo hoàn toàn vô căn cứ và xuyên tạc rất trâng tráo này. Nhưng cùng lúc, chúng tôi tin tưởng với thời gian và các nỗ lực trình bày, giải thích của anh chị em Việt Tân, đặc biệt là qua các hợp tác làm việc cụ thể với nhau, các hiểu lầm sẽ được sáng tỏ dần. Và một khi chúng ta cùng nhận ra đó là các đòn phép của Việt Cộng thì từ đó trở đi các đòn phép này hoàn toàn trở nên vô dụng.
Nói tóm lại, tôi tin là những cáo buộc “Việt Tân là khủng bố” hay “Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng” đều chỉ có tác dụng ngắn hạn cho những kẻ tung ra các đòn phép đó. Những người thực tâm muốn đổi thay đất nước sẽ vượt qua được và phải vượt qua được giao động lúc ban đầu để không rơi vào cạm bẫy lung lạc của CSVN. Và tôi cũng nghĩ rằng cách giải tỏa hay nhất vẫn là chứng minh bằng những hành động đấu tranh quyết liệt của chúng tôi.
Thanh Thảo: Lại có luận điệu cho rằng VT có ý hướng tốt nhưng đã bị an ninh CSVN xâm nhập nên những chương trình hoạt động của VT đều đã bị công an biết. Do đó ai dính với Việt Tân đều sẽ bị bắt. Ông giải thích thế nào?
Lý Thái Hùng: Đây cũng là loại suy đoán để tạo hoang mang mà không cần chứng cớ cụ thể. Nó có thể  làm cho những ai tha thiết muốn tham gia hay hợp tác với đảng Việt Tân sẽ khựng lại vì sợ rằng bị công an nằm vùng trong Việt Tân bắt giữ hay làm hại. Ở mức nhẹ nhất thì loại suy đoán này cũng hàm ý Việt Tân hoạt động không nghiêm túc, không bảo vệ được thành viên cũng như những người cộng tác để cho công an có thể theo dõi bắt giữ. Cùng lúc, loại luận điệu này cũng tạo ấn tượng CSVN ba đầu sáu tay, có tình báo bên trong Việt Tân và nắm vững đường đi nước bước của Việt Tân.
Nhưng nếu chỉ nhìn sâu hơn một chút, chúng ta đã có thể thấy ngay mâu thuẫn lớn của luận điệu đó. Nếu CSVN đã lọt vào đến tận bộ phận hoạch định các kế hoạch, các chương trình hoạt động của Việt Tân thì cách giải quyết nhanh gọn nhất của họ phải là phá tan tổ chức này từ lâu.
Có như vậy thì lãnh đạo CSVN khỏi mất rất nhiều công sức, tiền bạc đối phó với sự lan tràn của kiến thức đấu tranh bất bạo động mà Việt Tân liên tục quảng bá bằng nhiều dạng thức trong nhiều năm qua. Đồng thời, CSVN cũng khỏi mất mặt,  mất uy tín trầm trọng tại các diễn đàn quốc tế mà Việt Tân nỗ lực vận động để vạch trần sự thật tại Việt Nam. Gần đây nhất là cuộc điều trần UPR tại Genève vào tháng 2 năm 2014 vân, vân…
Nói cách khác, chính sự hiện diện và tiếp tục đấu tranh trên nhiều lãnh vực của đảng Việt Tân trong hơn 30 năm qua là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Cộng không xâm nhập được vào các bộ phận trọng yếu của đảng Việt Tân.
Cùng lúc đó, chúng tôi hiểu rất rõ mức độ thâm hiểm và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn của lãnh đạo lẫn công an CSVN, nên đảng Việt Tân luôn luôn quan tâm đến việc tổ chức chặt chẽ và thận trọng trong việc kết nạp thành viên. Các biện pháp phân cấp thông tin, đặc biệt liên quan đến nhân sự và kế hoạch, luôn được áp dụng chặt chẽ ở mọi cấp.
Tuy nhiên, đảng Việt Tân cũng không quá thận trọng đến độ tê liệt hay không còn hiệu quả. Dù có chuẩn bị kỹ lưỡng cách mấy thì vẫn có những sự việc xảy ra ngoài dự liệu và có những thành viên đảng Việt Tân bị sa cơ. Nhưng các đảng viên Việt Tân ý thức được cái giá phải trả vì tương lai đất nước và vẫn tình nguyện nhận lãnh công tác.
Ấn tượng công an CSVN ba đầu sáu tay cũng là ấn tượng sai. Không riêng gì Việt Tân mà nhiều nhà hoạt động trong nước cũng đã thấy rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống này mà chúng ta có thể khai dụng, kể cả khai dụng các nhân sự. Hiển nhiên, đối với những công tác thành công, chúng ta không thể công bố. Lý do đơn giản là để có thể làm tiếp được nữa. Chỉ những lần rất hạn hữu bị sa cơ thì công luận mới biết mà thôi.
Tôi tin là khi đất nước đã thoát khỏi nạn độc tài CSVN thì chúng ta sẽ thấy toàn bộ bức tranh.
Thanh Thảo: Thưa ông, cũng còn một luận điệu nữa khi nhận định về số người bị bắt và bị cầm tù vì liên hệ ít nhiều đến Việt Tân trong thời gian qua, đó là do lãnh đạo Việt Tân đã chủ ý thí quân để lấy tiếng. Ông nghĩ sao về luận điệu này?
Lý Thái Hùng: Trong các vu khống, có lẽ loại vu khống này làm nhiều anh chị em chúng tôi thấy buồn  nhất. Như tôi có trình bày bên trên, đấu tranh trong môi trường đàn áp dã man của chế độ độc tài cộng sản, các đảng viên Việt Tân đều ý thức là có thể gặp khó khăn và chấp nhận tù tội. Chúng tôi coi đây là những hy sinh phải chấp nhận trên con đường đấu tranh phục vụ tổ quốc, như bao thế hệ cha anh trong những giai đoạn đen tối của đất nước.
Khi một đảng viên Việt Tân gặp khó khăn đối với công an hay bị bắt là điều thiệt thòi lớn, không chỉ riêng cho đảng Việt Tân, mà cho công cuộc chung. Do đó cái gọi là ‘thí quân để lấy tiếng” là điều không có trong văn hóa hoạt động của đảng Việt Tân. Ngược lại, các đảng viên Việt Tân sinh hoạt và đấu tranh trong tình thương yêu gắn bó giữa những người cùng chung ý tưởng mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, và với chủ trương nhân bản, hai chữ “thí quân” chưa bao giờ xuất hiện trong đại gia đình Việt Tân.
Hơn thế nữa, ngay từ ngày đầu thành lập và với vị chủ tịch đảng đầu tiên là chiến hữu Hoàng Cơ Minh, đảng Việt Tân đã duy trì truyền thống: Lãnh đạo đi đầu. Lãnh đạo đi trước trong những công tác khó khăn, nguy hiểm. Và tôi có thể nói là thành phần lãnh đạo đảng Việt Tân hiện nay đang tiếp tục thực thi truyền thống đó nên càng không thể có chuyện “thí quân” được.
Trong các trường hợp bị sa cơ trong thời gian qua, có trường hợp là đảng viên Việt Tân, có trường hợp chỉ là những đồng bào tham gia hay hợp tác với Việt Tân trong một sinh hoạt nhân quyền nào đó, nhưng CSVN cố tình cột chung tất cả là đảng viên Việt Tân để tạo các ấn tượng như đã nói ở trên.
Trong một vài trường hợp hạn hữu, đảng Việt Tân buộc phải công khai hóa thân thế một vài đảng viên bị sa cơ để bảo đảm an toàn và để có thể vận động cho các anh chị em này. Đây là những quyết định không dễ chút nào cả. Mỗi quyết định này phải dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là ý nguyện của chính người chiến hữu này trước khi nhận công tác; thứ nhì là ước nguyện của gia đình; và thứ ba là đặc tính của từng sự việc.
Tóm lại, đối với chúng tôi, mỗi anh chị em đảng viên hay cộng tác viên là một phần vốn quí của dân tộc nói chung và của đảng Việt Tân nói riêng. Chúng tôi sống chết có nhau và không bao giờ bỏ nhau trong lúc hoạn nạn.


Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm để chứng minh có tôn trọng nhân quyền


Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm để chứng minh có tôn trọng nhân quyền



30.03.2014


VRNs (30.03.2014) – Vĩnh Long - Liên đoàn quốc tế nhân quyền (FIDH) mở chiến dịch toàn cầu kêu gọi phóng thích những người bảo vệ nhân quyền trên thế giới đang bị giam cầm, trong số những người này chúng ta thấy có 3 phụ nữ Việt Nam có tên trong danh sách gồm: Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương và Tạ Phong Tần. Ba phụ nữ này là những khuôn mặt tiêu biểu cho những người đang tranh đấu cho nhân quyền.


140329004

Mặc dù Việt Nam đã được trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 12.11.2013, nhưng đến nay những quyền cơ bản của người dân vẫn chưa được tôn trọng đúng mức. Bằng chứng là vẫn còn nhiều người bị bắt giam cách tùy tiện, bị bắt không được xét xử, giam cầm lâu năm và bị ngược đãi trong tù cho thấy tình trạng bi đát của việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, phải chăng đây là cái giá phải trả cho những ai muốn lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam?


Theo BBC chương trình Tiếng Việt, phát vào ngày 11.12.2013 có đề cặp đến vấn đề: “Liên minh châu Âu và các nước thành viên ước tính có hàng chục tù nhân chính trị tại Việt Nam, đa số bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do chính kiến và tự do hội họp của họ. Các tổ chức phi chính phủ đánh giá thấp Việt Nam trong việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị.”


Riêng chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cách cụ thể:
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện thành tích của mình, bao gồm cả việc trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc.”


Thời gian qua có một sự kiện đáng lưu ý, Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève từ năm 2008 đến 2012, đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng Sản, và đã nộp đơn xin tị nạn chính trị vào ngày 18.10.2013 vì lý ông bất mãn với nhà cầm quyền Việt Nam, nhằm tố cáo cái mà ông gọi là ‘chế độ độc tài’ và ‘đe dọa cầm tù’ những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Ông đã phát biểu như sau: “Đất nước chúng tôi đã rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tất cả mọi người đều hy vọng sẽ có thay đổi, nhưng mới đây đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cách cai trị độc tài và chế độ độc đảng. Cuộc khủng hoảng này là toàn diện vì vừa là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, đồng thời còn trong lãnh vực giáo dục và y tế”.

Ts. Nguyễn Đình Thắng - Chúng tôi không là Việt Kiều


Ts. Nguyễn Đình Thắng - Chúng tôi không là Việt Kiều



image


Năm ngoái, một cô du sinh Việt Nam theo học chương trình tiến sĩ ở Hoa Kỳ phỏng vấn tôi cho luận án của cô ấy với đề tài: Cách nào để chính quyền Việt Nam đến với Việt kiều ở Mỹ.

“Trước hết hãy ngưng gọi chúng tôi là Việt kiều,” tôi trả lời.

Thấy cô ấy lúng túng, tôi giải thích: “Chúng tôi là công dân Mỹ gốc Việt, không phải công dân của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Chính quyền Việt Nam muốn xem người Việt ở hải ngoại là công dân Việt mang “hộ chiếu” nước ngoài.


image


Cứ xem thái độ của Ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang của họ thì rõ. Khi gặp Tổng Thống Mỹ Barack Obama ở Toà Bạch Ốc hồi tháng 7 năm ngoái, Ông Sang cảm ơn chính phủ Mỹ đã chăm lo cho các người Việt ở Hoa Kỳ. Đây là lời cám ơn không đúng cương vị. Chính phủ Mỹ lo cho dân Mỹ là việc đương nhiên; hà cớ gì Ông Sang cảm ơn nếu không là muốn nhận vơ chúng tôi là dân của ông ấy?

Nhận vơ như vậy không ổn, vì nhiều lý do. Trước hết, rất nhiều người chưa hề một ngày là công dân của nhà nước cộng sản Việt Nam: những người ngoài Bắc di cư vào Nam trước khi đảng cộng sản lập ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và những người trong Nam bỏ nước ra đi trước khi đảng cộng sản ấy xâm chiếm miền Nam.

Kế đến là những người bỏ nước đi tị nạn. Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, tị nạn có nghĩa từ bỏ sự bảo vệ của chế độ cầm quyền ở quốc gia nguyên quán. Theo nguyên tắc này, khi chúng ta đang xin hay còn mang quy chế tị nạn mà đặt chân về Việt Nam, dù chỉ để thăm gia đình, thì xem như tự đặt mình trở lại dưới sự bảo vệ của chế độ cầm quyền và sẽ tự động mất tư cách tị nạn. Pháp áp dụng đúng nguyên tắc này trong khi một số quốc gia khác thì nhân nhượng hơn.

Dù không thuộc các thành phần trên, một khi giơ tay tuyên thệ nhập quốc tịch Hoa Kỳ, mỗi người trong chúng tôi đã chính thức từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Trước luật pháp Hoa Kỳ, chúng tôi là công dân Mỹ chứ không là công dân của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Cô sinh viên tiến sĩ xem chừng hiểu ra câu trả lời: “Chúng tôi không là Việt kiều. Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt,.”

Tôi giải thích thêm: “Cái gốc Việt ấy cho phép chúng tôi lên tiếng về các vi phạm nhân quyền và một số vấn đế khác nữa ở Việt Nam. Chúng tôi có thân nhân bị đàn áp. Chúng tôi có tài sản bị cưỡng chiếm. Đó là những vấn đề quyền lợi của công dân Mỹ, khi bị xâm phạm thì chính quyền Mỹ có nhiệm vụ can thiệp. Hơn nữa, chúng tôi có sự hiểu biết sâu sắc về hiện tình xã hội ViệtNam để giúp cho sự can thiệp ấy đạt hiệu quả.”

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Vụ Nhã Thuyên: PGS.TS NGÔ VĂN GIÁ LÊN TIẾNG


Vụ Nhã Thuyên: PGS.TS NGÔ VĂN GIÁ LÊN TIẾNG





PGS. TS Ngô Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận- Phê bình Văn học, ĐH Văn hoá Hà Nội.



Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân:  

Từ hôm xảy ra vụ Nhã Thuyên đến nay, tôi cứ nghe ngóng xem các vị trong Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) có ai lên tiếng không. Đến hôm nay, đọc được bài này của Ông Văn Giá, Nhà văn, PGS. TS, thành viên Hội đồng thì lòng tôi đã được dịu lại rất nhiều. Tôi cũng có trong tay toàn văn bản copy luận văn của Đỗ Thị Thoan, nhưng mà tôi nén lòng không đọc 3 chương của luận văn, mà chỉ đọc phần Mở đầu (lý do chọn đề tài, lịch sử vấn đề, mục lục) và Kết luận, Danh mục tham khảo. Tôi không đọc, vì tôi sợ là mình đọc rồi không kìm lòng lại viết một bài nhận xét mà mình không phải là người chuyên về văn học hiện đại, không theo dõi cập nhật tình hình văn học (mặc dù đã đọc cũng khá nhiều tác phẩm của nhóm Mở miệng) mà phán điều này điều nọ thì nó sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí chung. (như bà giáo sư Đặng Thanh Lê không phải là người chuyên về văn học hiện đại vẫn nhận lời ngồi vào hội đồng thẩm định - mà lại ở vị trí Phản biện mới chết chứ - thì tôi cho là rất dại, rất dở - mặc dù bà đã 82 tuổi).

Hôm nay, đọc bài này của Văn Giá, tôi xin ngả mũ bái phục Ông! Bài viết của ông có cái đại lượng của một ông thầy đang chăm bẵm vườn ươm văn chương, có cái nghiêm cẩn của một vị giám khảo, có cái trải đời - trải nghiệm của một nhà văn mà danh vọng có được chỉ nhờ nội lực của ngòi bút! ...

Vì đọc được bài này, sau hôm nay tôi sẽ đọc hết cuốn luận văn của Nhã Thuyên và ngưng đăng tải ở đây các bài xung quanh "Vụ Nhã Thuyên", với mong muốn các nhà giáo, nhà sư phạm, nhà tuyên huấn, tuyên giáo....tất tần tật các ông bà liên quan đến cái luận văn này (đặc biệt là các cá nhân và đoàn thể, tổ chức từng chõ mồm chửi cô Nhã Thuyên một cách vô lối), hãy dành thời gian mà đọc bài này, học ở ông Văn Giá cái đạo đức của người làm Thầy, cái khoáng đạt của người làm Văn, cái lịch thiệp của một người đang ở trên người khác, cái văn hóa của một người đang đối thoại!

Lâu lắm chưa ngả mũ, hôm nay ngả mũ trước ông Văn Giá! Thật đã quá!
_____________

Luận văn, phê bình luận văn và…

Ngô Văn Giá


Ngày mới rầm rộ vụ Nhã Thuyên (quãng tháng 6-7/2013), mình viết bài này, đã định công bố, nhưng rồi lại thôi. Nay thì vụ việc Nhã Thuyên đã dường như ngã ngũ (theo một cách nào đấy). Với một tâm trạng buồn rầu, xin chia sẻ cùng các bạn “phây” của mình nhé!
Tác giả
*

Thưa rằng, tôi là người có liên đới đến câu chuyện luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) đang gây nóng trên văn đàn hiện nay. Nói là liên đới vì: thứ nhất, tôi là thành viên trong Hội đồng chấm luận văn này; thứ hai, tôi được/bị một vài bài viết của người này người khác nhắc đến trực tiếp, hoặc gián tiếp (khi quy trách nhiệm cho Hội đồng). Cho nên tôi thấy có trách nhiệm phải nói đôi lời.

1. Tất cả các ý kiến phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hiện nay (như đang thấy trên một số tờ báo chính thống) đều là của những người hoạt động ngoài lĩnh vực học đường. Họ đọc luận văn này trong tâm thế của người ngoài cuộc. Nếu ai từng kinh qua hoạt động đào tạo ở nhà trường đều biết mỗi khi chấm khóa luận, luận văn, luận án của sinh viên/học viên/nghiên cứu sinh bao giờ cũng phải giải quyết hài hòa ba yêu cầu chủ yếu: (1) các phương pháp và thao tác nghiên cứu; (2) các kết quả nghiên cứu; và (3) triển vọng học thuật của người nghiên cứu được bộc lộ qua toàn bộ quá trình thực hiện đề tài. Với yêu cầu (1), các phương pháp và thao tác nghiên cứu nhằm trang bị cho người tập làm khoa học biết được với đối tượng ấy phải có phương pháp và thao tác nghiên cứu nào phù hợp và hiệu quả; mỗi phương pháp, thao tác ấy là gì và ứng dụng như thế nào. Với yêu cầu (2) chính là cách thức triển khai nội dung văn bản khoa học, logic của các chương tiết cùng những kết quả nghiên cứu đạt được. Còn yêu cầu (3) cũng hết sức quan trọng, nhằm đánh giá được năng lực tư duy, độ mẫn cảm khoa học, khả năng nghiên cứu độc lập hoặc hợp tác… của người nghiên cứu.

Như vậy, điểm số/thứ bậc của một bản luận văn/luận án không phải là sự chia đều của 3 yêu cầu đó, mà tùy từng trường hợp có sự phân lượng cần thiết. Làm thạc sĩ là bước đầu học cách nghiên cứu (làm xong tiến sĩ cũng mới chỉ được xét nhận là người có khả năng nghiên cứu độc lập). Nên không thể đòi hỏi những kết quả khoa học ở các luận văn của họ luôn luôn đúng. Nó cho phép độ dung sai nhất định, với điều kiện cái sai đó cho thấy nỗ lực tư duy của người làm khoa học. Đó là những cái sai lương thiện, có khả năng thúc đẩy tư duy để hướng tới cái đúng, cái khác. Nó ngược lại với những cái đúng nhạt nhẽo và vô ích. Ở đời không thiếu gì những cái đúng vô ích. Có thể trong luận văn của Đỗ Thị Thoan có những chỗ chưa kín kẽ, chưa thỏa đáng, nhưng đã thấy rõ một nội lực tư duy khoa học văn học đầy triển vọng.

2. Đỗ Thị Thoan là một người trẻ. Khi bảo vệ luận văn, cô ấy mới 24 tuổi. Cô ấy có một tài sản vô giá là tuổi trẻ mà chúng ta (gồm cả tôi và những người đang lên tiếng phê phán cô ấy) đã hết thời rồi. “Khi người ta trẻ” (tên một truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh) mà! Một người trẻ có cái say mê, háo hức, có cái khao khát khẳng định cá tính, bản ngã của mình. Đỗ Thị Thoan trong khi làm thạc sĩ, cô ấy đã/đang là người viết - người viết trẻ. Người viết nào cũng có cái khao khát mạnh mẽ và chính đáng khẳng định tiếng nói riêng của mình. Huống chi đây lại là người viết trẻ. Vì thế cái nhiệt tâm khẳng định tiếng nói của một chủ thể ý thức, chủ thể viết là một nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng.

Tôi thích tinh thần trẻ trong lao động khoa học, trong lao động viết. Họ đọc, học, viết với một tinh thần say mê vô tư, không vụ lợi, nhằm truy cầu học vấn và tri thức, nỗ lực xác lập tư cách trí thức của mình. Thế thôi. Nó ngược lại với không ít người trẻ (nhất là trong cơ quan công quyền) hiện nay: xa rời chuyên môn, lười đọc sách, không có khát vọng tri thức, chuyên tìm cách lấy lòng cấp trên hòng kiếm chác chức tước, địa vị, mau chóng biến thành một thứ công chức nô bộc hoặc thư lại. Thử hỏi, liệu xã hội có thể trông chờ được gì vào những người trẻ như vậy.

Đỗ Thị Thoan là một người có khao khát tri thức, dấn thân vào con đường chữ nghĩa, từ bé đến lớn chỉ biết có việc học và học, ngoài ra không biết làm gì khác. Một người như vậy bị quy cho cái tội phản động, chống đối chế độ. Hỡi ôi, làm kẻ phản động chống đối chế độ chả lẽ lại dễ đến thế được sao!?

Khích lệ những người trẻ tuổi lao động, học tập và sáng tạo mới khó, chứ quy kết họ thiết tưởng không khó lắm, nhất là trong bối cảnh hiện nay.